Search This Blog

Friday, January 23, 2015

Cách thưởng, phạt trẻ 1-2 tuổi

2 tuần nữa là Tâm An bước sang tháng thứ 24 và trộm vía đã "người nhớn" ra phết rồi. Để hình thành nên sự tự lập đó của em, một phần việc quan trọng mẹ đã áp dụng là các hình  thức thưởng và phạt - kể từ khi em đi vững. 

Thời điểm em biết đi đánh dấu mốc trưởng thành vượt trội của một con người thực thụ, từ nay em đã có thể đến nơi mình muốn đến, lấy đồ vật mình muốn lấy, thực hiện đủ các hoạt động nằm ngồi đi đứng theo ý muốn - đó cũng là cột mốc quan trọng để bố mẹ tiến hành "uốn nắn" cây con mọc theo hướng ánh sáng mặt trời! Vì đã có thể làm các việc theo ý muốn, nên chắc chắn có những hành động không nên làm mà em chưa ý thức được. Lúc này, vai trò của cha mẹ là định hướng cho con những hành động nên và không nên bằng nhiều phương pháp, trong đó tiêu biểu là các phương pháp thưởng và phạt.

THƯỞNG
Các hình thức thưởng trẻ 1-2 tuổi được duy trì như đối với trẻ sơ sinh là khen, âu yếm, nựng nịu, vuốt ve, thơm hôn... Những câu nói như "Con giỏi quá!", "Con ngoan lắm!", "Em siêu nhỉ!", "Rất cừ khôi!"... xứng đáng thường trực trên môi của các bố mẹ để gây dựng sự tự tin cho con mình cũng như giúp trẻ nhận biết những hành động được bố mẹ khen thưởng, hình thành nên "ngăn kéo" các việc làm được khen trong não bộ để tiếp tục những việc được khen đó về sau.

Được cho đi chơi, khám phá các không gian, đồ vật mới lạ cũng là một hình thức thưởng "cao cấp" với trẻ ở độ tuổi này. 

Trẻ được thưởng khi biết tự làm các việc cho mình, biết vệ sinh sạch sẽ, biết gọn gàng và giúp bố mẹ các công việc phù hợp với độ tuổi, thậm chí khi trẻ ăn ngoan, chơi ngoan cũng xứng đáng được bố mẹ tưởng thưởng rồi.

Chú ý tránh thưởng đồ ngọt như các loại kẹo, bánh ngọt... cho trẻ.

PHẠT
Mẹ đã áp dụng các hình thức phạt với Tâm An từ tháng thứ 12 (cùng lúc với thời điểm em ăn cơm cùng nồi với bố mẹ, không cần nấu riêng) như sau:
Hình phạt 1: Nghiêm mặt
Thực hiện: ánh mắt nghiêm nghị, mặt nghiêm túc, không vì thấy em buồn cười mà nhoẻn miệng cười tủm tỉm thì coi như phản tác dụng - việc này thực hiện giống trong quân đội, nghiêm trang hết mức để em hiểu được hành động của mình là không tốt.

Hình thức phạt bằng thái độ này trái hẳn với vẻ mặt vui vẻ, hành động ôm ấp của mẹ lúc tưởng thưởng nên sau một thời gian áp dụng sẽ giúp em tự nhận thức được các hành động đúng - sai và biết chọn lấy hành động đúng vì chắc chắn là em không thích bầu không khí căng thẳng lúc mẹ nghiêm mặt chút nào!

Sau một thời gian áp dụng hình thức này, mẹ thấy em cứ cau mày mỗi khi không bằng lòng, vừa ý, sau đó mới phát hiện ra là những khi phạt em, mẹ rất hay cau mày và em đã học thành công bài học mẹ không dạy đó! ;) Vậy nên sau này mẹ phải chuyển hình thức phạt vì mỗi khi em cau mày lại là mẹ cũng buồn cười tủm tỉm phải quay mặt đi nơi khác.

Hình phạt 2: Tự đánh vào bộ phận cơ thể vi phạm
"Bộ phận cơ thể phạm lỗi" thường là tay hoặc chân vì tay chân hoạt động nhiều nhất. Lúc đầu mẹ hướng dẫn em bằng cách cầm tay trái của em đánh vào tay phải của em (nếu tay phải phạm lỗi) và ngược lại, cả hai tay phạm lỗi thì phạt cả hai tay, chân phạm lỗi thì lấy tay của em đánh chân, mỗi khi phạt như vậy mẹ nói to "Tự phạt! Tự phạt!" Sau này chỉ cần nghe mẹ nói "Con tự phạt tay mình đi!" là em lập tức tự đánh vào tay mình và hiểu rằng hành động của mình không đúng!

Mẹ cũng áp dụng hình phạt này mỗi lần em tè ra quần mà không biết gọi mẹ nhưng riêng việc này thì mẹ chưa thành công, đến nay em vẫn chưa biết gọi mỗi khi buồn tè! Những lúc em tè ra quần rồi tự phạt vào đít rất là đáng yêu, buồn cười lắm! Cái tay xíu xíu với ra sau mông tét một cái rồi quay mặt thộn ra nhìn mẹ làm mẹ vừa tức vừa buồn cười...

Hình phạt 3: Đứng vào phòng tối một mình
Mẹ lựa chọn một căn phòng tối (khi tắt đèn, đóng kín cửa) và coi là hình thức phạt cao nhất nên ít khi áp dụng nhất do đó em cũng sợ hình phạt này nhất. Hình thức phạt này giúp con ở một mình để suy nghĩ và giúp mẹ trấn tĩnh lại tránh nổi cơn tam bành trước hành động sai trái của con.

Trước khi áp dụng hình phạt này mẹ cần ra điều kiện cho trẻ biết trước rằng nếu trẻ không nín khóc, không ngừng hoạt động sai hoặc không nghe theo lời mẹ sẽ bị "Phạt vào phòng tối đứng một mình!" để sau này trẻ chỉ cần nghe thấy câu đó là sẽ hiểu hình phạt mà lập tức ngừng hành động sai lại. 

Lưu ý căn phòng tối phải đảm bảo an toàn cho trẻ. Thời gian phạt không nên kéo dài. Thường thì khi bị phạt trẻ sẽ khóc, sau một vài phút mẹ hãy tiến đến cửa phòng hỏi "Con đã nín chưa? Nín bặt chưa?" Khi trẻ nín hoàn toàn thì dẫn trẻ ra, lau nước mắt, mồ hôi và cho trẻ vào lòng vừa vỗ về vừa phân tích hành động cho trẻ hiểu. Mẹ hãy hỏi trẻ: "Con thấy đứng trong phòng tối một mình có buồn không? Hay ở ngoài này chơi ngoan với mẹ vui hơn, thích hơn?" để trẻ tự lựa chọn lấy phương án cho mình! Mẹ cũng tránh dọa trong phòng tối có con gì, hay ba bị để trẻ sợ và không bao giờ được nói đến từ "sợ" để trẻ thấy rằng phòng tối chỉ là một nơi khiến trẻ không vui mà thôi.

Ở nhà mẹ chọn phòng tắm làm phòng tối cho Tâm An nhưng không bao giờ dọa con nên Tâm An không thích ở phòng tối một mình, nhưng những lúc tắm, ngồi trong chậu chơi một mình thì lại rất thích, không hề sợ hãi bám mẹ chút nào! Đi cầu thang tối cũng không sợ, mẹ vẫn dắt một tay để em tự đi lên chứ không bám lấy gấu quần áo mẹ đòi bế. Lời nói và thái độ điềm tĩnh của bố mẹ là một phần rất quan trọng khi rèn luyện sự tự lập cho con.

Hình phạt 4: Đứng úp mặt vào tường
Thực ra từ khi mẹ áp dụng hình phạt thứ 4 này thì ba hình phạt trên đây bị bỏ xó! :) Vì chỉ cần thấy thái độ không bằng lòng của mẹ là em đã tự đi vào góc tường đứng úp mặt vào, yêu lắm cơ! :-*

Hình phạt này được áp dụng từ khi em được khoảng 19 tháng, sau này mẹ mới phát hiện ra trong các tập phim hoạt hình Masha and the bear, gấu cũng dùng hình phạt này mỗi khi Masha nghịch ngợm quấy phá quá trời, nên Tâm An thấy giống bạn Masha thì rất thích thú hình phạt này! :))

Những ngày đầu áp dụng hình phạt mẹ nói to "Mẹ phạt Tâm An đứng úp mặt vào tường!" rồi chọn một góc tường dẫn con vào đứng im, mặt úp vào tường. Sau này, em tự chọn cho mình góc tường em thích (cạnh bảng chữ cái tiếng Việt) và tự giác vào đó đứng mỗi khi bị phạt. Em đứng nghiêm túc lắm, hai tay giơ lên cao đặt lên tường, mặt thì úp vào tường nhưng thỉnh thoảng lại quay ra ngó nghiêng thái độ của mẹ :) rồi bị mẹ chỉ tay vào thì mới quay úp mặt vào tường trở lại.

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành động sai mà mẹ phạt thời gian nhanh hay lâu, thường là trong lúc em bị phạt mẹ tranh thủ dọn dẹp bãi chiến trường của em. Mẹ dọn xong thì cũng là lúc tha cho em, gọi ra đứng tại nơi em phạm lỗi mà phân tích hành động, ví dụ: "Con không được thò tay vào bể cá, tay con sẽ bị bẩn, tanh mà các bạn cá sẽ chết vì nước bẩn!...", "Con không nên xé sách, sách rách thì con sẽ không đọc được, sách cũng sẽ rất buồn...", "Con không được vẽ lên bàn, làm bẩn tay và quần áo, mẹ không vui chút nào..." Rất trộm vía em ít khi lặp lại hành động sai trái lần thứ hai, nếu lặp lại sẽ bị phạt thời gian lâu hơn.

Hình phạt 5: Đánh đòn
Mẹ không theo chủ trương không xâm phạm cơ thể con, lúc cần thiết vẫn phải đánh đòn, mặc dù hạn chế. Hình thức này ngay lập tức đưa đến cho trẻ một hàng rào giữa hai mẹ con khiến trẻ sợ mà thôi ngay hành động nhưng xâm hại đến tình cảm của con với mẹ. Mỗi lần như vậy, Tâm An thường lao vào mẹ mà ôm, nên mẹ cũng thương và chỉ khi điên tiết lắm thì mới đánh con thôi. Hình phạt này áp dụng sau khi mẹ nhắc nhở 3 lần mà vẫn không làm theo lời mẹ.

LƯU Ý KHI PHẠT TRẺ
- Tất cả các hình phạt trên chỉ có giá trị khi mẹ thực hiện phạt ngay sau khi trẻ mắc lỗi, chỉ cần chậm một chút là trẻ sẽ quên ngay việc vừa làm của mình vì trẻ rất hiếu động, ngay lập tức chuyển sự chú ý sang đồ chơi hay việc làm khác ngay.

- Các hình phạt này cũng có khi cần kết hợp với nhau để đạt hiệu quả, tùy theo mẹ quan sát mức độ hấp thu và chuyển đổi của trẻ. Mẹ cần nhất quán các hình thức phạt, ví dụ như áp dụng theo mức độ tăng dần của hình thức 1, 2, 4, 3 rồi đến 5 là cao nhất và nhắc nhở trẻ không dừng hành động sai thì sẽ bị phạt nặng hơn (có thể nói luôn với trẻ hình phạt nặng hơn là gì), trẻ sẽ dần nhận ra mức độ nặng của các hình phạt mà biết dừng lại càng sớm càng tốt. 

- Thái độ, lời nói và nét mặt phải thống nhất mỗi lần phạt, mỗi khi phân tích hành động cho con nên chuẩn bị lời nói trước để nói được ngắn gọn và trôi chảy, mệnh lệnh cuối cùng đó sẽ giống như một bit thông tin cho vào ram bộ nhớ của trẻ, vậy nên tiêu chí hàng đầu là ngắn gọn và trôi chảy để trẻ có thể hấp thu một cách cao nhất, phân loại và hình thành trong não bộ non nớt của trẻ "ngăn kéo" các hành động sai trái để tự loại bỏ, không lặp lại hành động đó nữa.

- Sau khi phạt nên nựng nịu vỗ về để trẻ hiểu rằng mẹ yêu thì vẫn rất yêu, nhưng có lỗi thì sẽ bị phạt nghiêm túc. 

- Mẹ áp dụng các hình phạt cả khi không ở nhà: Khi em về ông bà nội, ông bà ngoại, biết rằng mình được bênh, nên có phần không nghiêm túc như khi ở nhà với mẹ, nhưng em vẫn bị mẹ phạt úp mặt vào tường để hiểu rằng ở đâu cũng phải nghe lời mẹ, không vì có ông bà mà mẹ sẽ tha cho. Trẻ con rất nhanh nhạy tìm kiếm sự nuông chiều từ những người thân như ông bà nội ngoại và nhanh chóng phát hiện khe hở khi mẹ lùi bước trong những tình huống này để khai thác triệt để, vậy nên mẹ càng phải nghiêm túc khi có mặt ông bà hay người lạ để trẻ không lạm dụng những thời điểm đó!

- Không phạt đồ vật: Những lúc trẻ bị ngã do leo trèo bàn ghế hay vấp vào đồ vật trên mặt đất, bố mẹ chỉ cần lẳng lặng quan sát xem trẻ có bị thương cần xử lý ngay không chứ không nên lao vào nâng trẻ mà để trẻ tự đứng dậy, đặc biệt không phạt các đồ vật như bàn, ghế, đất... để trẻ tự chịu trách nhiệm về việc mình ngã và tránh các đồ vật đó ra.

- Bố mẹ cũng cần rút kinh nghiệm sau mỗi lần phạt con, ví dụ trẻ làm vỡ đồ thủy tinh sành sứ thì bố mẹ phải đặt các đồ thủy tinh ở xa tầm tay của trẻ, sử dụng bát đĩa bằng melanine, nhựa, gỗ...; trẻ dùng bút vẽ lung tung ra bàn, tường thì bố mẹ cần cất gọn, chỉ cho trẻ bút chì màu và quy định chỗ để giấy, bút cho trẻ tự lấy ra sử dụng, đồng thời quy đinh khu vực các loại văn phòng phẩm (bút bi, kéo, dao cắt giấy...) trẻ không được phép sờ vào...; cất gọn các đồ vật làm trẻ vấp ngã...

- Bố mẹ mắc lỗi cũng phải bị phạt để làm gương. Ví dụ mẹ mắc lỗi khi làm em đau, mẹ cũng tự tét vào mông mình hoặc mẹ tét vào mông bố khi bố mắc lỗi. Thường thì những lúc đó em bằng lòng ngay và chuyển sang chơi trò khác :)
Trộm vía Tâm An rất "thuộc" các hình phạt của mẹ và biết hiểu đúng sai để nghe lời và ít tái phạm, còn mẹ thì được bà ngoại đặt cho thuộc tính "quân phiệt" và chuyên "đóng vai ác" trong nhà để bố em thuộc phái thiện! :)) Còn em thì rất sung sướng khi về bà ngoại thấy bà ngoại phạt mẹ bằng cách đánh vào mông mẹ, và em cũng xông vào tét vào mông mẹ nhé. Sau này Tâm An có em chắc mẹ phải thêm hình phạt phân xử giữa các con đúng người đúng lỗi, công bằng, phù hợp với tuổi để các em biết tự phân chia không tranh giành và vẫn yêu thương nhau.

Hai bài viết về hình thức phạt TIME-OUT của Thomas W. Phelan: Phương pháp phạt Time-out và Kỹ thuật Time-out rất đáng tham khảo cho các bà mẹ có trẻ trong độ tuổi thiếu nhi (đến khoảng 12 tuổi).

Bài trước: Cách cai sữa cho bé

No comments:

Post a Comment

Popular Now