Em đã bước sang tháng thứ 23, cũng là lúc công cuộc cai sữa bước vào giai đoạn cuối. Trộm vía mọi việc êm xuôi nên mẹ ghi tạm lại đây tích lũy kinh nghiệm cho em bé sau, kẻo đến khi chăm em thứ hai lại mới tinh tươm như thuở ban đầu! :)
Những ngày đầu mẹ đẻ mổ nên phải dùng nhiều kháng sinh sau sinh nên không dám cho em ti sữa thành ra sữa về căng cứng phải nặn để tránh áp xe. Vụ này bố em, bà ngoại và những người cùng phòng đẻ những ngày đó chắc đều hãi hùng, còn mẹ thì phải cắn răng vào mà thỉnh thoảng vẫn phải hét lên không thể chịu được nữa! Những ngày này và 3 tuần đầu tiên em dùng Nan Nga, trộm vía cũng tốn ra phết! 3 tuần đầu mà hết phải chục hộp 800gr.
Sau đó sữa mẹ về nhiều dần, thế là em chê cái bình cao su (và silicon) chỉ yêu ti mẹ thôi. Từ đó đến sau em gần như dùng sữa mẹ trăm phần trăm và chẳng chịu dùng sữa công thức nữa. Ông bà lo lắm, bảo thế này thì làm sao mà lớn được, làm sao mà cao được. Cũng vì thế, mẹ quyết định cho em ăn dặm sớm kể từ khi em được 4 tháng.
Khi em được 13, 14 tháng, răng em mọc ác liệt nên yêu ti mẹ bằng cách cắn cho ti thật đau làm mẹ kêu ôi ối và phê bình em, nhiều khi cáu là quát luôn, thế là đến tháng 15 cậu biểu tình bằng cách bỏ ti luôn, mặc cho mẹ mời mọc :)) Mẹ cũng định thôi cho bú, 15 tháng rồi mà, nhưng về bà ngoại không đồng ý, thế là mẹ thì phải vạch ti, mà em thì phải mở mồm để bú cho bằng được, cho đến ngày hôm nay...
11 tháng rưỡi, em bắt đầu ăn cơm hạt, độ cứng tăng dần cho đến khi ăn cùng bố mẹ luôn không cần phải dùng cốc nấu cơm nát nữa! Thức ăn cũng tăng dần độ thô từ cắt vụn rồi cắt lát, cắt sợi. 18 tháng, việc ăn dặm coi như kết thúc êm đẹp cũng là lúc mẹ xem xét việc cai sữa. Không đồng tình với các cách tìm hiểu trên internet như bôi dầu cay vào đầu ti, quấn sợi tóc vào đầu ti... hay cách ly với mẹ (đưa về ông bà một vài tuần cho đến khi trẻ quên sữa), mẹ nghĩ rằng giống như cách gọi sữa về (trẻ càng bú nhiều sữa sẽ về càng nhiều) thì nay muốn cai hãy làm ngược lại, cắt bớt số lần bú của trẻ - việc này tốt cho cả con (không bị xa mẹ, không sợ hãi) vừa tốt cho cả mẹ (sữa giảm dần không bị cương vú phải vắt nặn ra ngoài).
Việc cai sữa bắt đầu từ khi em được khoảng 20 tháng. Một ngày em ti mẹ 5 lần (tính từ thời điểm 15 tháng) lúc (1) bữa sáng 5h, (2) bữa giữa buổi sáng 9:30, (3) bữa trưa 12h, (4) bữa giữa buổi chiều 3:30, (5) bữa tối 8h thì thực hiện bỏ hai bữa giữa trước rồi đến bữa sáng, trưa và cuối cùng là tối như sau:
Lần 1: bỏ bữa giữa buổi sáng 9:30
Lần 2: bỏ bữa giữa buổi chiều 3:30
Lần 3: bỏ bữa sáng 5h
Lần 4: bỏ bữa trưa 12h
Lần 5: Sau cùng là bỏ bữa tối 8h khi em sang tháng thứ 24, vì buổi tối là thời điểm nhạy cảm trước giờ ngủ, trẻ cần ti mẹ vì ngoài nhu cầu sữa còn nhằm đảm bảo nhu cầu tình cảm, có được hơi ấm, hơi sữa của mẹ để yên tâm ngủ ngon.
Khoảng cách giữa các lần bỏ bữa ti sẽ giảm dần, do sữa mẹ giảm dần và trẻ quen dần việc thôi sữa mẹ mà vẫn ăn uống, vui chơi, ngủ nghỉ được bình thường. Ví dụ lần 1 có thể kéo dài hơn một tháng vì trẻ mất nhiều thời gian để quen việc không đòi ti mẹ, đến lần 2 sẽ nhẹ nhàng hơn khoảng 1 tháng là okie, sau đó cứ giảm dần khoảng cách giữa các lần còn 3 tuần, 2 tuần cho đến khi xong hẳn.
Dấu hiệu trẻ sẵn sàng cho lần bỏ bú tiếp theo là khi mẹ cố tình không cho bú, trẻ chấp nhận không vòi vĩnh cáu bẳn, tuy nhiên mẹ hãy "lừa" trẻ bằng đồ chơi trẻ thích, bánh, trái cây hoặc cho trẻ đi chơi để trẻ quên dần bữa bú đó. Nếu trong quá trình cai sữa trẻ bị ốm hay đi tiêm phòng về sốt, mệt thì mẹ lại phải "lần hầu bao" chiều chuộng trẻ, có thể mất vài ngày và lần bỏ bú đó phải để dành lại cho đến khi trẻ khỏe mạnh. Cảm nhận của mẹ là trên hết, tiêu chí là mẹ khỏe bé vui! Mẹ cũng đừng thấy trẻ bỏ bữa ti dễ dàng mà nhanh nhảu bỏ liền hai bữa ti trong cùng một giai đoạn vì trẻ bú mẹ ngoài nhu cầu sữa còn để được đáp ứng tình cảm từ mẹ nên nếu bỏ nhiều bữa ti cùng lúc, trẻ sẽ thiếu thốn tình cảm của mẹ, dẫn đến bám mẹ hơn sau giai đoạn cai sữa đó.
Quá trình cai sữa cần kết hợp nhịp nhàng với quá trình tập ăn dặm, tập tự ngủ và tập tự lập của bé.
Đôi điều như thế đã, hy vọng em sau mẹ cũng sẽ tiến hành êm xuôi như với Tâm An, và chúc cho những bà mẹ đang trong quá trình cai sữa cho con được nhẹ nhàng thảnh thơi, không phải đánh vật với bé yêu của mình nhé!!
Bài trước: Tết dương lịch 2015
Bài trước: Tết dương lịch 2015
No comments:
Post a Comment