Search This Blog

Saturday, April 7, 2018

Triển lãm Thangka - Nghệ thuật của sự giác ngộ

Việc vẽ tranh thangka bắt đầu ở Nepal vào thế kỷ 11, sau đó được phát triển mạnh ở các vùng đất thuộc Bắc Himalaya. Về niên đại lịch sử, thông qua Nepal, Phật giáo Đại thừa đã truyền sang Tây Tạng trong triều đại Angshuvarma hồi thế kỷ 7. Ảnh hưởng của nghệ thuật Nepal lan rộng đến Tây Tạng và thậm chí đến Trung Hoa vào thế kỷ 13. Các nghệ nhân Nepal còn được mời đến triều đình của hoàng đế Trung Hoa theo yêu cầu chính thức.

Việc ra đời của tranh thangka Tây Tạng có thể quy công cho các nghệ nhân Nepal, những người chuyên tạo tác một khối lượng lớn các tác phẩm kim loại, tranh tường cũng như các bản kinh có hình vẽ minh họa ở Tây Tạng. Nhận thấy nhu cầu to lớn về tượng thờ ở Tây Tạng, những nghệ nhân này đã theo chân các nhà sư và đội ngũ thương nhân. Họ mang theo ko chỉ các tác phẩm điêu khắc kim loại mà cả những bản kinh Phật chép tay. Để đáp ứng nhu cầu ngày một cao, các nghệ nhân Nepal đã tìm tòi và khởi xướng một loại tranh tôn giáo mới trên vải, có thể cuộn lại dễ dàng để mang đi. Loại tranh này trở nên phổ biến ở cả Nepal lẫn Tây Tạng, và từ đó một trường phái tranh mới – tranh Thangka – đã ra đời và phát triển thịnh đạt vào hồi thế kỷ 9 hay thế kỷ 10, và vẫn được ưa chuộng cho đến ngày nay.

Một trong những tiêu bản tranh Thangka Nepal có niên đại thế kỷ 13-14 vẽ Đức Phật A Di Đà với chư Bồ Tát bao quanh. Một bức tranh Thangka khác có đến ba niên đại (muộn nhất là năm 1369), được ghi chép trong các văn bản chính thức là bức Thangka cổ nhất mà chúng ta đã được biết. Bức “Mandala Vishnu” có niên đại năm 1420 là ví dụ khác về tranh vẽ của thời kỳ này. Các tranh Thangka ban đầu của Nepal rất đơn giản về hình họa lẫn bố cục vị thần chính – một hình vẽ lớn chiếm vị trí trung tâm – và các vị thần linh thứ yếu, nhỏ bé hơn, bao quanh. Ngoài Nepal, tài liệu lịch sử có ghi rằng hội họa Trung Quốc cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến hội họa Tây Tạng nói chung đầu thế kỷ 14 và đạt đỉnh cao vào thế kỷ 18. Theo Giuseppe Tucci (1894-1984), một học giả văn hóa phương đông người Ý, thì vào khoảng đời nhà Thanh “một nền nghệ thuật mới đã phát triển ở Tây Tạng, trong đó có những ảnh hưởng ít nhiều cái vốn quý của nghệ thuật trang trí thanh nhã.”

Vẽ tranh Thangka là một trong các bộ môn chính của nghệ thuật Tây Tạng.

Trong thời trị vì của Pháp Vương Trisong Detsen (742-797), các bậc thầy vẽ tranh Thangka Tây Tạng đã nâng cao nghệ thuật này trong việc tìm tòi và học hỏi từ truyền thống của các xứ sở khác. Nét vẽ, quy tắc trắc lượng nhân thể, trang phục, các phẩm vật gia trì và trang sức hoàn toàn dựa theo phong cách Ấn Độ, việc vẽ hình tướng được dựa theo phong cách Nepal và hậu cảnh của tranh là theo phong cách Trung Hoa. Nhờ sự kết hợp đa chiều đó, Thangka trở thành nghệ thuật phong phú và đầy độc đáo.

Nguồn: Tây Tạng huyền bí và nghệ thuật sinh tử (Đặng Hoàng Xa), from fb Nguyễn Huy Khánh

Bảo tàng phụ nữ Việt Nam - điểm thăm quan hấp dẫn dịp 8/3
Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam - 18, Hoàng Quốc Việt

No comments:

Post a Comment

Popular Now